Introduction

LỜI NÓI ĐẦU

Bước vào thời đại văn minh của thế kỷ 21, với sự tiến bộ vượt bực của vật chất và khoa học kỹ thuật thế giới càng thu hẹp lại, bởi con người được tận hưởng những phương tiện, dễ dàng tiếp cận và gần gũi với nhau, nhưng tiếc thay khi nhân loại có nhiều cơ hội thuận lợi thì sự sống trên trái đất lại bất toàn hơn bao giờ hết! Vì sao? Vì sự thiếu cân đối giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Con người đua tranh quyền lợi vật chất, từ những tham vọng này đẩy đưa tính nhân đạo của con người càng ngày càng phai nhạt. Từ đó nhân loại đứng trước sự suy đồi về đức tin, áp lực đời sống còn quá nhiều thách thức, khảo đảo chiến tranh thù hận xảy ra, hậu quả sự chạy đua về vũ khí và khoa học kỹ thuật đã dẫn đến ô nhiễm môi trường sống, thiên tai xảy ra liên tục, dịch bệnh sanh ra khắp mọi nơi, con người phải chứng kiến, chịu đựng bao cảnh thê lương và nguy khốn…

Trong tình thế hoang mang, ưu tư nặng trĩu đó, chúng tôi đuợc Đức Sư Tổ Dasida Narada cho sử dụng di sản vô giá của Ngài, âm thầm thắp lên ngọn nến Vi Diệu Pháp, liền đuợc sự tham gia nhiệt tình như là một phép mầu cứu rỗi đối với nhân dân và chính phủ nhiều nước. Chúng tôi, mở lớp học, đào tạo giảng dạy môn sinh tu tập, lập thiền đuờng trong tinh thần tự nguyện, kết quả hưởng ứng phát triển rất đáng khích lệ. Tuy nhiên nỗi khổ của thế gian quá mênh mông, con nguời vẫn còn vô minh ái dục, chưa mấy thức tỉnh truớc giòng thác tiến hóa của thiên cơ.

Các tài liệu của VDPHT đã được chúng tôi biên soạn từ tư tuởng của Đức Sư Tổ Dasira Narada, theo từng đẳng cấp để thuyết giảng cho các môn sinh tu tập, trải nghiệm, hành pháp, qua nhiều thời kỳ, nghiên cứu, chọn lọc, sửa đổi và cập nhật hóa. Sách tự nó kén chọn nguời xử dụng, phải có trình độ hiểu biết ngang tầm ở từng căn cơ tu tập, nhất là khi đi vào thế giới tâm linh, vì ở đó sẽ gặp nhiều suy tư vuợt thế gian, nên cần có sự chỉ dẫn trực tiếp của chúng tôi ý nghĩa tiếp thu mới chính xác và hữu hiệu; nếu không sẽ ảnh huởng không tốt cho sự tu học và sức khỏe. Chúng tôi tin tuởng và quả quyết rằng, những gì xây dựng hôm nay cho pháp môn Vi Diệu Pháp sẽ đuợc các thế hệ tiếp nối gìn giữ, bảo vệ và hậu thế sẽ còn làm vẻ vang, vinh quang cho pháp Tổ mãi mãi.

Bao nhiêu năm hành pháp, giảng dạy, trải nghiệm pháp môn Vi Diệu Pháp, hôm nay pháp Tổ đã chính thức hiện diện trên nhiều quốc gia, từ Mỹ Châu, Á Châu, Âu Châu, Úc Châu, Phi Châu…. Hằng ngày, có hàng ngàn, hàng vạn nguời đến các thiền đuờng khắp mọi nơi tu theo pháp Tổ, họ nổ lực thực hành kiến tạo công đức hầu chi trả nghiệp chướng, tự mình giải trừ thân tâm bệnh, giác ngộ, diệt khổ và giải thoát ngay trong đời sống hiện tại này qua Pháp Vi Diệu của Ngài.

Ngày 29 tháng 05 năm 2010, pháp môn Vi Diệu Pháp đã được ủy ban lập pháp của tiểu bang California bỏ phiếu thông qua nghị quyết số 937. Công nhận Pháp môn do chúng tôi thành lập từ năm 1996, với tôn chỉ làm thức tỉnh và dẫn dắt nhân loại tiến tới cuộc sống tâm linh cao thượng, qua sự giảng dạy đặt trên nền tảng của tình thương và công bằng không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, văn hóa. Môn sinh của pháp môn đã và đang hiến dâng cuộc đời của mình cho tiếng gọi cao cả để cải thiện đời sống con người qua sự thức tỉnh của chân tâm và lòng vị tha. Nghị quyết đã biểu dương giá trị lớn lao về tâm linh và xã hội, mà người dân California và thế giới đang được thừa hưởng, qua những công trình của Pháp môn Vi Diệu Pháp.

Xin cúi đầu đảnh lễ Đức Sư Tổ Dasira Narada đã để lại cho thế gian một pháp môn Khoa Học-Tâm Linh vô cùng quí giá làm thay đổi quan niệm, nhận thức nhân sinh, nêu cao lòng từ bi phụng sự nhân loại.

Chuởng môn - Pháp môn Vi Diệu Pháp

Nguyễn Đức Thuận

Nguyễn Ngọc Hải

CHÂN LÝ

Thuyền có nước thì thuyền mới chạy,
Ðạo có đời thì mới phát huy.
Vào đường tu phải tuyệt vời can đảm,
Dám len mình trong nghịch cảnh mà đi.
Khi âm thầm lo phụng sự thiên cơ,
Lúc lừng lẫy mưu cầu cho nhân loại.
Bước tiến hóa nhân sinh năng phục vụ,
Cảnh thái hòa sinh chúng cố dựng xây.
Không bao giờ nao núng trước quyền uy,
Không khiếp sợ loại nào phi đạo đức.
Biết trà trộn náo nương trong các loại,
Ðể đo lường bí hiểm của nhân tâm.
Nhẫn là chuyên quan sát khắp muôn màu,
Nhẫn là khéo rút ra nhiều kinh nghiệm.
Trắng hay đen đều có ưu khuyết điểm,
Xét tận cùng để đạt lý uyên thâm.
Ðời chuyển lưu theo định luật thăng trầm,
Nên nghiên cứu với bình tâm thiện ý,
Ðúng hay sai định phân nhờ trí tuệ,
Nẻo chông gai biết rỏ hướng lọc lừa.
Những ai chung lý tưởng ta học đành,
Mà lại học kẻ không đồng quan điểm,
Không xem trọng xem khinh từng quan điểm,
Mà điều nghiên bên chính lẫn bên tà,
Tâm phân minh sâu rộng tựa hải hà,
Ta trung lập cân phân và tổng hợp.
Người mọi giới sang hèn hay khôn dại,
Kẻ mọi ngành lành dữ hoặc chi chi,
Ðều là người gợi ánh sáng quang huy,
Cho cơ hội ta tìm ra chân lý.
Họ tất cả đều là thầy miễn phí,
Là ân nhân dạy ta rõ cuộc đời.
Vậy người tu có bạn chẳng có thù,
Và biến cãi khối thù thành khối bạn.
Biết sai trái sửa sai không tái phạm,
Thất bại rồi giác ngộ ắt thành công.
Khổ vì tà người hướng thiện mới đông,
Có kẻ ác người ngay mới nổi bật.
Còn chân lý người đời thường đề cập,
Nghiêng bên này hay ngã gật bên kia,
Lý hay chân nhiều chủ nghĩa phịa ra,
Là chân lý một chiều gây biển lận.
Cái chân lý mọi người đều chấp nhận,
Không biên cương không giai cấp màu da,
Với tình thương nhân loại khá đậm đà,
Không vị kỷ đam mê hay vụ lợi,
Chân lý ấy mới thật đầy ý nghĩa.
Cái bản lai diện mục khá siêu quần,
Hành động sao mà không đạt sở cầu,
Với cứu cánh là an bang tế thế,
Tâm mưu cầu cho hạnh phúc đại đồng,
Tâm xây dựng cho mọi người chung hưởng,
Tâm nhận thức vạn vật đồng nhất thể,
Tâm thánh hiền ngộ chân lý vô tư.
Tu để biết việc đời đầy mâu thuẩn,
Biết san bằng muôn vạn nẻo chông gai.
Ðời giúp ta sáng trên đường đạo,
Ta giúp đời trong lúc lâm nguy.
Sợi tóc kia rơi rớt tận chân trời,
Ta nhặt lấy trả đủ về huynh đệ.
Gieo hạt giống phải khôn ngoan đừng vung vẩy,
Mà ném gần gốc cội của cây to,
Dùng tàng cây che lấp mộng bé thơ,
Hầu tránh được miệng chim muông nọc rắn,
Cây núp bóng nhờ cội tàng che khuất,
Và lớn lên bên cạnh gốc thân già.
Gẫm cuộc đời thật chẳng có bao lâu,
Làm kiếp người cũng nào đâu dễ có.
Bởi cho nên trót sinh trong trần thế,
Phải làm sao cho xứng đáng kiếp người.
Tình tổ quốc vạn đời luôn bất diệt,
Yêu nhân loại nào khác thể thân ta,
Ðưa nhân loại hoàn hư về một nẻo.

DASIRA NARADA

DẪN NHẬP

Vi Diệu Pháp là môn khoa học tâm linh thực nghiệm, nghiên cứu về môi trường tiến hóa của con người và vạn vật. Môi trường đề cập ở đây không giới hạn trong lãnh vực môi sinh hay thể chất đơn thuần. Từ lâu con người lầm tưởng sự sống được duy trì bởi vật chất. Hầu hết các tôn giáo cũng mang một quan niệm đối lập cực đoan, cứ ngỡ tâm linh hay linh hồn là chủ yếu trong sự sinh tồn hữu hình. Hai quan niệm trên là hai mặt của một thực thể bất khả phân, nó là một sinh khí năng động và hằng hữu, duy trì sự hiện hữu tinh thần lẫn vật chất, và trước khi hình thành thể chất, hoặc sau khi phân hủy hình hài, nó vẫn là động lực tạo môi trường cho tâm linh tu học tiến hóa. Những danh gọi như Thượng Đế Tánh hoặc Phật Tánh tiêu biểu cho cái tuyệt đối vô cùng, phi thiện, phi ác. Trong thực tế nó hiện hữu khắp nơi, vượt không gian và thời gian; vì thời gian và không gian chỉ là ý niệm của con người, còn mang tính cách giới hạn. Những nguồn lực hóa thân vào các mô dạng sinh vật luôn tiến hóa không ngừng, ta tạm gọi là năng lượng.

Thiền định vốn có đã lâu, từ lúc con người biết đến đời sống tu tập tâm linh, thiền định là phương pháp giúp con người thanh lọc nội tâm. Luân xa rất cần thiết và giữ vai trò quan trọng trong việc đưa năng lượng vào cơ thể con người, hầu tẩy xóa những trược khí đã bao phủ, giúp chỉnh đốn siêu tế bào, khiến tâm thức được trong sáng, thoát khỏi sự vô minh, để chủ động mọi sinh hoạt tiến hóa một cách thuần nhiên. Sau khi Tổ chứng đắc, Ngài đã dụng tuệ thức khai sáng Vi Diệu Pháp để cứu giúp nhân loại. Năng lượng là ánh sáng, là nguồn sống tình thương luôn luân lưu trong cuộc sống con người và chỉ có thể hiểu biết được nó qua dấn thân trải nghiệm, chứ không thể dùng ngôn ngữ diễn đạt một cách trọn vẹn được. Tập luyện bằng một kỹ thuật thiền định tinh tế, năng lượng tiếp nhận qua các luân xa giúp ta phát triển tình thương, hướng nội, cảm nhận được con đường tâm linh ngắn nhất; đây cũng là kết tựu của những tinh hoa từ cổ chí kim. Trong cấu trình Thành - Trụ - Hoại - Không, có các sinh vật đã cảm thụ thanh khí nên phát triển trí minh mẫn, trong đó có những con người mang nhiều hạt giống hướng thượng, xa rời vật chất, nặng phần tâm linh, cảm ứng được năng lượng thuần khiết, khai mở được luân xa, hiểu biết và thoát khỏi con đường ô trược. Do nhiều trình độ tu chứng trên bước đường tâm linh, nên những sự diễn đạt truyền dạy về tâm linh có nhiều khác biệt. Từ sự xuất phát của nhiều tôn giáo, cùng với tánh cố chấp của hậu lai, đã dẫn đến những mâu thuẫn cách biệt giữa các tôn giáo. Những quan điểm không đồng nhất từ hình thức đến nội dung, đã tạo ra nhiều ngôn từ vụng về làm con người ly gián lẫn nhau. Bao nhiêu nỗ lực tu hành của những người đi trước vẫn chỉ để giải quyết những phiền trược cá nhân, chứ không tìm ra một mẫu số chung để xóa bỏ ranh giới giữa các tôn giáo, giữa thể chất và tâm linh, giữa khoa học và tôn giáo, hầu kết hợp mọi người một cách hài hòa, sống cho trọn vẹn ý nghĩa nhân loại …

I. NGUỒN GỐC VÀ XUẤT XỨ

1. Đệ Nhất Sư Tổ Dasira Narada.

Vào ngày 24 tháng 10 năm 1846 tại thành phố Colombo, Tích Lan, trong một gia đình quyền chức, Ngài DASIRA NARADA ra đời. Thân phụ người Tích Lan mang dòng máu Bombay tên Ajita Narada, là một viên chức ngoại giao. Thân mẫu người Ceylon, là một phật tử thuần tánh, đầy đủ đức hạnh của người phụ nữ Á Châu. Được phối hợp của hai dòng máu đã mang lại cho Ngài một sắc mạo trắng hồng và một tâm hồn thanh cao thoát tục. Vì là con trai duy nhất, cũng là niềm hy vọng của gia đình nên thân phụ Ngài mong muốn Ngài đổ đạt thành tài, lập gia đình sinh con nối dõi. Nhưng vốn sẵn có tâm hồn cao thượng vị tha, Ngài không theo đuổi các ngành học vấn có tính chất đem lại lợi ích cá nhân, mà Ngài chuyên tâm nghiên cứu vũ trụ và con người. Vào năm 25 tuổi, Ngài đã đậu bằng tiến sĩ triết học Đông Phương. Sự hiểu biết sâu sắc về ngành học này giúp cho Ngài nhận ra kiếp người vô thường, cộng với tình thương yêu nhân loại và ý chí hướng thượng, đã làm động lực thúc đẩy Ngài tìm đường giải thoát cho mình và nhân loại. Năm 42 tuổi, khi thân phụ qua đời, Ngài kế thừa sự nghiệp của cha. Năm năm sau, đột nhiên Ngài từ bỏ tất cả danh lợi vật chất mà bao nhiêu người mong muốn. Trên thân một mảnh y bạc màu, trong tay một chiếc gậy thô sơ, Ngài lặng lẽ ra đi tìm nơi tu tập. Ngài đặt chân lên dãy Hy Mã Lạp Sơn để ẩn tu. Sau 18 năm tu luyện, Ngài đã chứng đắc Trí Đạt Thông, tự khai mở những cánh cửa luân xa, tiếp nhận vũ trụ tuyến vào thân thể. Điều quan trọng là Ngài đã tư duy ra Vi Diệu Pháp để khai mở luân xa cho người khác, giúp họ tu học mà khỏi phải trải qua nhiều năm công phu khổ luyện như Ngài.

2. Đệ Nhị Sư Tổ Narada Mahathera và 5 Vị Tu Sĩ Tại VN

Sau thời gian du hóa khắp mọi nơi để giúp người, vào năm 1916 Đức Sư tổ Dasira Narada đã tìm chọn được một người đệ tử, lúc đó vừa tròn 18 tuổi. Ngài đã đặt hết niềm tin và chỉ dạy tất cả những hiểu biết thành tựu của Ngài cho người đệ tử, với ước mong đệ tử của Ngài sẽ gìn giữ Vi Diệu Pháp để lưu truyền cho hậu thế. Sau 8 năm truyền dạy cho đệ tử, năm 1924 Sư Tổ Dasira Narada đã ẩn mình và từ đó không ai còn thấy Ngài nữa.

Ngài Đệ Nhị Sư Tổ vốn xuất thân từ trường giòng Thiên Chúa giáo, nhưng sau khi được thọ nhận trách nhiệm giao phó của Đức Sư tổ Dasira Narada, Ngài đã chuyển sang Phật giáo Nam tông để tu hành với pháp danh Narada Mahathera, tuy nhiên Ngài vẫn tiếp tục âm thầm tu học và gìn giữ Vi Diệu Pháp. Do có nhiều duyên lành với Việt Nam, trên bước đường hoằng pháp khắp nơi vào những thập niên 1930-1950, Đệ Nhị Sư Tổ đã có nhiều dịp ghé sang và đi khắp mọi miền Việt Nam. Ngài đã thay mặt Phật Giáo Ấn Độ đem tặng cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Ngọc Xá Lợi, Kinh Tạng và cây Bồ Đề - di tích của Phật Thích Ca. Năm 1972, Đệ Nhị Sư Tổ trở lại Việt Nam lần cuối và đã mật truyền Vi Diệu Pháp cho năm vị tu sĩ Việt Nam gìn giữ, bao gồm các tôn giáo chánh ở Việt Nam là Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, Cao Đài, Hoà Hảo và một nữ Bác sĩ tu tại gia. Năm 1974, Ngài trở về nước Tích Lan, từ đó không quay trở lại Việt Nam nữa. Chủ nhật, ngày 2, tháng 10, năm 1983, Đệ Nhị Sư Tổ viên tịch tại chùa Vajirarama, là nơi Ngài làm tăng trưởng và chưởng quản trong những năm cuối của đời Ngài. Đệ Nhị Sư Tổ hưởng thọ 85 tuổi. Tang lễ của Ngài được chính phủ và phật tử Tích Lan cử hành trọng thể theo quốc tang.

3. Chúng Tôi Nguyễn Đức Thuận và Nguyễn Ngọc Hải

Vi Diệu Pháp của Đức Sư Tổ Dasira Narada đã được gìn giữ để chờ đợi đến thời cơ thích hợp và thuận duyên. Sau 3 đời, từ Đức Sư Tổ, đến Đệ Nhị Sư Tổ và lần đến 5 vị tu sĩ ở Việt Nam, ngày nay thế hệ thứ tư do chúng tôi thọ nhận phần nhiệm từ những vị Thầy này. Từ đó chúng tôi đã truyền dạy Pháp của Đức Sư Tổ trong thế giới tâm linh ra ngoài thế giới hiện hửu và đã thành lập ra Pháp môn Vi Diệu Pháp ngày hôm nay.

Chúng tôi thông suốt được nền tảng giáo lý của các tôn giáo chánh là Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Khổng Giáo và Lão Giáo qua các vị Thầy đời thứ 3. Điều đáng nói ở đây là bản thân chúng tôi từ trước chưa từng bị ràng buộc vào một tôn giáo nào. Nhờ vậy mà chúng tôi được sự phóng thoáng và tự do để tư duy ra một đạo lý tu học đương niệm, thích hợp cho mọi thành phần, không phân biệt, màu da, chủng tộc, tôn giáo, chính trị,… Nương theo tư tưởng của Đức Sư Tổ Dasira Narada, chúng tôi đã giúp con người hiểu biết, sống đạo đức, thoát khỏi mọi sự vị kỷ, phát triển một đời sống vị tha. Nhờ vậy sự giảng dạy của Pháp môn VDPHT đi đến nơi nào đều phù hợp và thích ứng được với phong tục tập quán của nơi đó.

Đức Sư Tổ Dasira Narada là vị Tổ khai mở ra đại lộ hầu đưa dẫn con người sáng suốt dần đến diệt khổ và giải thoát. Từ những siêu lý của Đức Sư Tổ trong thế giới tâm linh, chúng tôi đã dùng tất cả tâm huyết để tư duy ra một phương pháp tu tập thực tế khoa học. Minh triết dẫn dắt con người thoát khỏi mê tín, giải toả được những vướng mắc trong nội tâm, và hướng dẫn môn sinh từng bước một, trên con đường tu học tiến hoá tâm linh. Do đó Pháp môn VDPHT mới được mệnh danh là môn khoa học tâm linh.

Trong những năm qua, chúng tôi đã đem hạt giống tình thương của Đức Sư Tổ gieo khắp nơi. Hiện nay, Pháp môn VDPHT đã có rất nhiều thiền đường trên thế giới, mỗi ngày các thiền đường hoạt động không ngừng nghỉ, giúp cho mọi người đạt được sự hiểu biết chân chánh, và mở rộng tình thương, hầu đem lợi ích cho sự tiến hóa chung của nhân loại. VDPHT là ngọn đuốc thiêng, soi sáng và hướng dẫn con người vượt thoát khỏi những bế tắc hiện tại, để xây dựng thế giới đại đồng, trong đó mọi người sống hòa thuận trong sự hiểu biết và tình thương. Chắc chắn rằng Pháp môn VDPHT sẽ được các thế hệ nối tiếp gìn giữ và phát huy.

Monthly archive